UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định về việc điều chỉnh danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025. Theo đó, danh mục mới có 57 dự án ở 9 lĩnh vực.

Tập trung vào hạ tầng giao thông

Ở lĩnh vực giao thông – cơ sở hạ tầng, TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 dự án, phần lớn đều có khái toán tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Cụ thể, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị có tổng vốn đầu tư dự kiến 12.636 tỉ đồng. Dự án này đã được công bố năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đối với dự án này, Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng đã đề xuất hướng tuyến, vị trí nhà ga và đưa vào quy hoạch chung.

Dự án đình đám thứ 2 cùng lĩnh vực là đường hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng với tổng mức vốn kêu gọi 8.228 tỉ đồng. Tuyến hầm này có chiều dài khoảng 3,7 km với phần hầm khoảng 2,48 km, quy mô 6 làn xe cơ giới và xây dựng các nhánh kết nối với khu đô thị phía Tây sân bay. Dự án cũng sẽ mở rộng đường Lê Trọng Tấn, đường Trưng Nữ Vương tới khu vực nút giao với đường Duy Tân; cải tạo nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn và đường Trường Chinh, xây dựng cầu vượt dọc đường Trường Chinh với chiều dài cầu 211 m (quy mô 2 làn xe, không giải phóng mặt bằng); cải tạo nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn và đường Vành đai phía Tây 2, xây dựng cầu vượt dọc đường Vành đai phía Tây 2 với chiều dài cầu 291,3 m (quy mô 4 làn xe).

TP Đà Nẵng còn kêu gọi đầu tư vào dự án hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống xe điện bánh sắt Tramway có tổng vốn đầu tư (dự kiến) 54.500 tỉ đồng. Dự án này sẽ xây dựng hệ thống tàu điện ngầm TP Đà Nẵng gồm 2 trục: trục Đông Tây là tuyến kết nối từ Nam Ô đi qua trung tâm TP đến khu vực An Hải Đông thuộc biển Mỹ Khê, quy hoạch làm tuyến kết nối, đồng thời với trục Đông Tây của giao thông công cộng; trục Nam Bắc là tuyến kết nối cửa vào khu Sơn Trà Tịnh Viên và khu cận sân bay đến khu vực Khuê Trung. Dự án này kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư (PPP).

Một dự án được quan tâm nhiều là dự án tàu điện kết nối giữa TP Đà Nẵng và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.479 tỉ đến 14.995 tỉ đồng theo hình thức PPP. UBND TP Đà Nẵng đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và các ngành chức năng đang nghiên cứu phương án, thời gian, nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, dự án này sẽ được triển khai rà soát để cập nhật và điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm - Ảnh 1.

Dự án đường hầm qua sân bay Đà Nẵng được kêu gọi đầu tư với tổng mức vốn kêu gọi lên tới 8.228 tỉ đồng

Kỳ vọng khôi phục kinh tế

Ở lĩnh vực du lịch, nhiều dự án được kêu gọi với tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý có dự án bến du thuyền quốc tế dự kiến đặt tại khu vực từ đường Bạch Đằng đến đường Như Nguyệt, quận Hải Châu với tổng diện tích phần đất hơn 20.000 m2. Dự án làng ẩm thực quốc tế dự kiến xây dựng tại quận Cẩm Lệ với diện tích 2 ha. 

Ngoài ra, lĩnh vực này còn có các dự án như: tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư dự kiến 400 tỉ đồng; trung tâm mua sắm giải trí ngầm có tổng vốn đầu tư dự kiến 910,8 tỉ đồng; trường đua ngựa và trang trại nuôi ngựa với tổng vốn đầu tư dự kiến 4.554 tỉ đồng… Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng còn kêu gọi đầu tư vào dự án khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp tại quận Sơn Trà, dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 61.000 m2, tổng vốn đầu tư do nhà đầu tư đề xuất.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghiệp có 10 dự án được đầu tư. Trong đó, 3 dự án KCN đều có vốn đầu tư lớn, cụ thể: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư dự kiến 2.232 tỉ đồng; KCN Hòa Ninh có tổng vốn đầu tư dự kiến 6.083 tỉ đồng; KCN Hòa Nhơn có tổng vốn đầu tư dự kiến 5.657 tỉ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có 4 dự án gồm: dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ; dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế, chế tạo robot; sản xuất điện năng lượng mặt trời; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học. Có 1 dự án được đầu tư ở lĩnh vực môi trường là Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỉ đồng và công suất xử lý khoảng 1.000 tấn/ngày.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng tài liệu, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời tổ chức hoạt động xúc tiến và tham mưu để UBND TP điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, cho hay trong lần kêu gọi này, kỳ vọng của TP là sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng với Đà Nẵng nhằm khôi phục kinh tế của địa phương. Theo bà Phương, các dự án lần này đều là trọng điểm ở từng lĩnh vực. Mỗi năm, các ngành chức năng sẽ nghiên cứu để thay đổi và bổ sung một số dự án theo tình hình thực tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *